3.1. CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ QUỐC TẾ (ISG)
ISG là tên viết tắt của 3 chữ đầu của tên tiếng Anh là International Support Group (gọi tắt là ISG). Tên tiếng Việt là Chương trình Hỗ trợ quốc tế.
ISG được thành lập nhằm thúc đẩy và điều phối các đối thoại chính sách cấp cao giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các nhà tài trợ, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế cùng các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển Ngành Nông nghiệp và PTNT.
3.2. ĐỐI TÁC NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)
Đối tác Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) đi vào hoạt động từ năm 2010 theo “Sáng kiến tầm nhìn mới trong nông nghiệp 2020” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hướng tới mục tiêu 20-20-20[1]. Ban Chỉ đạo PSAV được chính thức thành lập vào năm 2015 theo quyết định số 1097/QĐ-BNN-TCCB do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Chủ trì, Công ty Yara Đồng Chủ trì đại diện khối Tư. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng ban Ban Thư ký thường trực.
PSAV tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP).
[1] Tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, và giảm 20% phát thải
3.3. QUAN HỆ ĐỐI TÁC TRONG LĨNH VỰC CẤP NƯỚC VÀ VỆ SINH NÔNG THÔN (QHĐT)
Quan hệ đối tác trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn (QHĐT) là một trong số các tổ chức Quan hệ đối tác được thành lập nhằm tạo ra một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ và các bên liên quan khác trong tiến trình thực hiện các mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ SDGs. QHĐT được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập ngày 3 tháng 4 năm 2006 tại Quyết định số 519/TTg- QHQT phê duyệt Bản ghi nhớ (MoU) và đồng ý việc thành lập Văn phòng Điều phối QHĐT trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Mục tiêu của QHĐT là tăng cường hiệu quả trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn của Chính phủ cũng như cộng đồng các nhà tài trợ. Việc thực hiện các mục tiêu đề ra thông qua hoạt động điều phối của QHĐT dựa trên một cơ chế phối hợp do QHĐT thiết lập, với sự tham gia của các đối tác quốc tế và các cơ quan liên quan của Việt Nam. Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn và kết quả hoạt động của QHĐT, Thủ tướng Chính phủ đã gia hạn hoạt động của QHĐT đến năm 2025.
3.4. ĐỐI TÁC MỘT SỨC KHỎE PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI (OHP)
OHP được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Đối tác Phòng chống Cúm gia cầm và Cúm ở người (PAHI) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6334/VPCP – HTQT ngày 12/8/2015, đứng đầu là Ban Lãnh đạo, bao gồm lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Tài nguyên và Môi trường, hoạt động trên cơ sở Khung đối tác Một sức khỏe (MSK) được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế) và các Đối tác phát triển quốc tế, trong nước về Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người. Vụ HTQT được giao là đơn vị chủ trì, đầu mối quản lý Thỏa thuận khung đối tác MSK.
Ngày 16/12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Thỏa thuận Khung đối tác tại Công văn số 10552/VPCP- QHQT.
Theo thống nhất, Thỏa thuận Khung đối tác mới sẽ được ký kết bởi 03 Bộ (Nông nghiệp và PTNT; Y Tế; Tài nguyên và Môi trường) với các Đối tác quốc tế và trong nước vào tháng 2 năm 2021. Mục tiêu chính là Giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành "Một sức khoẻ" bằng cách huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ quốc tế.