Trong chuyến thăm và làm việc tại Đan Mạch từ ngày 13-16/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch.
Tiếp đón đoàn công tác Bộ NN-PTNT Việt Nam, ông Troels Vensild, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế (Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch) đã bày tỏ sự vui mừng và nhận định hai nước Việt Nam - Đan Mạch có nhiều mối quan tâm chung, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp như an toàn thực phẩm hay tăng trưởng xanh, năng lượng xanh.
Trong thời gian gần đây, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng phát triển. Vừa qua nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương Phu nhân Mary Elizabeth thăm Việt Nam theo lời mời của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Vào hồi tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Đan Mạch cũng đã phối hợp tổ chức sự kiện giao thương với đoàn Doanh nghiệp Đan Mạch về lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm để xúc tiến cơ hội giao thương giữa hai nước và học hỏi các kiến thức quản lý và công nghệ tiên tiến từ Đan Mạch.
Ông Troels Vensild, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế của Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Thú y chia sẻ về mục tiêu tương lai xanh của Đan Mạch. Ảnh: Lan Trần
Về chiến lược hợp tác tương lai xanh, ông Troels Vensild cho rằng thủy sản và chăn nuôi là 2 lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu này, do đó, buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ là nền tảng cần thiết cho hợp tác trong tương lai.
Thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn đến Chính Phủ và người dân Đan Mạch đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam và ngành nông nghiệp trong những giai đoạn khó khăn. Hiện nay trên cơ sở “Bản ghi nhớ về Thiết lập Đối tác Chiến lược về An toàn thực phẩm và Sản xuất lương thực Bền vững” được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch năm 2018, Đan Mạch vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC). Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng đã hỗ trợ đào tạo cho gần 200 cán bộ quản lý và nghiên cứu của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Sự hỗ trợ kịp thời của Đan Mạch đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi các vấn đề hợp tác với phía Đan Mạch. Ảnh: Lan Trần
Chia sẻ về các chỉ số phát triển kinh tế trong năm 2022, Thứ trưởng khẳng định với ông Troels Vensild: “Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định để các ngành, các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài”. Riêng với ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra 4 trụ cột, đều đang phát triển tốt, đó là lương thực, chăn nuôi, thủy sản và phát triển rừng với những con số ấn tượng.
“Giá trị xuất khẩu nông sản trong 10 tháng của Việt Nam đã đạt 44,97 tỷ USD và dự kiến cả năm đạt trên 50 tỷ USD. Trong đó, 2 lĩnh vực chính là chăn nuôi và thủy sản chiếm khoảng 54% tổng giá trị ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định Bộ Nông nghiệp và PTNT đang vận hành theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Hội đàm giữa đoàn công tác Việt Nam và Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch. Ảnh: Lan Trần
Trong bối cảnh hai nước đang hoàn thiện “Bản ghi nhớ về thiết lập đối tác chiến lược về tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra 4 đề xuất hợp tác cụ thể cần đẩy mạnh trong thời gian tới giữa hai nước như sau:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam xây dựng Chương trình chiến lược hỗ trợ ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là giai đoạn thứ 3 của Chương trình chiến lược hỗ trợ ngành trong thời gian tới.
Thứ hai, mong muốn Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ cho các cơ quan quản lý và nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia và hợp tác trong các chương trình/dự án giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt nuôi trồng thủy sản.
Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ quản lý và nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thứ tư, phối hợp với Hiệp hội/doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực chăn nuôi và lĩnh vực thủy sản.
Các sản phẩm OCOP Việt Nam đã được trao tặng cho các đối tác trong buổi làm việc Ảnh: Lan Trần.
Ông Troels Vensil đã ghi nhận những ý kiến của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông cho biết ông đặc biệt ấn tượng với chỉ số phát triển của ngành thủy sản Việt Nam và khẳng định Đan Mạch sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nói trên với Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Bên cạnh các đề xuất về hợp tác giữa hai bên, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế của Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch cũng chia sẻ thêm về quan điểm của phía Đan Mạch về việc triển khai hệ thống chính sách, công cụ để có thể truy xuất được nguồn gốc mọi sản phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tầm quan trọng của các hoạt động kiểm tra để có thể đảm bảo tính minh bạch trong sản xuất thực phẩm, đảm bảo sản xuất ra được những sản phẩm thực phẩm an toàn với mục tiêu phát triển bền vững và tập trung vào sức khỏe con người lẫn động vật.