Bỏ qua Lệnh Ruy-băng
Bỏ qua nội dung chính

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm đạt 34,27 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản...


Sầu riêng là mặt hàng mang nhiều kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Là một trong những ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có kỷ lục kim ngạch mới, sẽ đạt 6,5-7 tỷ USD. 

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT và ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì buổi gặp gỡ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT và ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì buổi gặp gỡ. 

Trong đó, sầu riêng là mặt hàng sẽ tiếp tục đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả những tháng cuối năm. 

Lý giải về điều này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia khi thời điểm tháng 7, tháng 8 có thể thu hái sầu riêng khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, giá sầu riêng tại Tây Nguyên khoảng trên 100.000 đồng/kg, chắc chắn sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng lên. Xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, thậm chí 4 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ trồng sầu riêng.

Tuy nhiên, ông Nguyên nhìn nhận, để ngành sầu riêng và rau quả phát triển mạnh hơn cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu (tươi và đông lạnh) để kiểm soát, giữ vững được kim ngạch trong những năm tới và trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất sầu riêng.

"Từ đó, các địa phương, ngành hàng có tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu. Đây là giấc mơ không phải xa vời, mà có thể đạt được nếu chúng ta có những biện pháp kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa để xuất khẩu. Đó là những tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm”, ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận.

Cũng theo ông Nguyên, để giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng cuối năm, cần tập trung khai thác tốt thị trường Đông Bắc Á, đàm phán mở cửa thị trường các mặt hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và cấp mã số vùng trồng… 

Ông Hồng Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 9 công ty được cấp mã số xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc, với khoảng 100 tấn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, ngành yến mới chỉ xuất khẩu được con số rất khiêm tốn với hơn 2 tấn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn nhất hiện nay của ngành yến là xác nhận nguồn gốc nguyên liệu. Trong khi đó, Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, cho phép nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu không phù hợp quy định về vùng nuôi chim yến thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới,…

Dẫn đến những nhà yến nuôi lâu năm có thể cung cấp được sản lượng lớn lại vướng Luật Xây dựng, trở thành nhà yến không theo đúng quy định. Do đó, không xác nhận được nguồn gốc nguyên liệu để hoàn tất thủ tục hồ sơ xuất khẩu. 

Theo ông Lê Viết Bình, Bộ NN-PTNT, ngoài các cơ quan chuyên môn còn có cơ quan làm công tác xúc tiến thị trường, thống kê, phân tích dữ liệu, cũng như phối hợp với các ngành hàng, cơ quan chức năng khác như Công thương, Hải quan, Cục thuế, Tài chính... để có những kết quả, dự kiến dự báo chi tiết cho toàn ngành trên phạm vi cả nước.

Báo Nông nghiệp